Thông tin tuyên truyền
Thứ 4, Ngày 01/04/2020, 09:00
Kho bạc Nhà nước: Hành trình 30 năm khát vọng đổi mới, phát triển và hội nhập
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
01/04/2020

Trong suốt 30 năm kể từ khi tái lập (01/4/1990), KBNN luôn khẳng định vị thế, vai trò của một đơn vị được giữ trọng trách quản lý ngân quỹ của quốc gia. Sự ra đời và phát triển của hệ thống KBNN là kết quả của công cuộc cải cách, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong đổi mới công tác quản lý tài chính nhà nước, góp phần tách bạch công tác quản lý nhà nước về tài chính với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, đảm bảo việc thực thi các nhiệm vụ tài chính - ngân sách một cách hiệu quả; đồng thời cũng khẳng định quyết tâm dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới của các cán bộ làm công tác quản lý tài chính hướng tới một nền tài chính nhà nước an toàn, minh bạch và hiệu quả.

Chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành Tài chính (28/8/1945 - 28/8/2020); 30 năm tái thành lập Kho bạc Nhà nước (01/4/1990 - 01/4/2020) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Cổng TTĐT KBNN xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết nhiều kỳ "Kho bạc Nhà nước: Hành trình 30 năm khát vọng đổi mới, phát triển và hội nhập" với 3 phần, trong đó:

Kỳ 1: Truyền thống lịch sử - ôn lại những dấu ấn đã qua, tri ân sự đóng góp của các thế hệ cán bộ KBNN "mở đường" cho sự hình thành, phát triển và lớn mạnh của hệ thống KBNN ngày nay.

Kỳ 2: Tiếp nối ngọn lửa truyền thống vẻ vang - ghi nhận những thành quả to lớn đã đạt được qua 30 năm tái lập và những nỗ lực không ngừng nghỉ của hệ thống KBNN.

Kỳ 3: Khát vọng đổi mới, phát triển và hội nhập - khẳng định khát vọng về một tương lai tươi sáng hơn ở phía trước, hướng tới một nền tài chính quốc gia hiện đại và vững mạnh, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

 

Truyền thống lịch sử

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng dân chủ nhân dân được thành lập, để đảm bảo tài chính phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc và hoạt động của nhà nước cách mạng non trẻ trong điều kiện muôn vàn khó khăn, Nha Ngân khố quốc gia (cơ quan tiền thân của KBNN ngày nay) đã được thành lập vào ngày 29/5/1946 theo Sắc lệnh số 75/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành. Nha Ngân khố có nhiệm vụ chủ yếu là: Tập trung quản lý các khoản thu về thuế; đảm phụ quốc phòng (ủng hộ quân đội); thu tiền công phiếu kháng chiến; quản lý và giám sát các khoản cấp phát theo dự toán được duyệt; chịu trách nhiệm về việc xác nhận và thanh toán kinh phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách; làm thủ tục quyết toán với cơ quan Tài chính; tổ chức phát hành giấy bạc Việt Nam (tiền tài chính) trong toàn quốc; đấu tranh trên mặt trận tiền tệ để thu hẹp và loại bỏ dần phạm vi lưu hành của tiền Đông Dương và các loại tiền khác của địch; tích cực đấu tranh để thực hiện các nguyên tắc cơ bản về thể lệ thu, chi và kế toán đại cương nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính ngay trong điều kiện đất nước đang có chiến tranh.

Tiếp sau đó, trước yêu cầu và tình hình mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 06/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đồng thời giải thể Nha Ngân khố và Nha Tín dụng sản xuất trực thuộc Bộ Tài chính. Để cụ thể hóa chức năng và nhiệm vụ của cơ quan quản lý quỹ ngân sách nhà nước, ngày 20/7/1951, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 107/TTg thành lập Kho bạc Nhà nước đặt trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và thuộc quyền quản trị của Bộ Tài chính. KBNN tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thu, chi quỹ NSNN, bảo đảm các nhu cầu chi của bộ máy nhà nước, phục vụ công cuộc kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong hơn 10 năm tồn tại và hoạt động (1951 - 1963), hệ thống Kho bạc Nhà nước đã cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Quốc gia Việt Nam hoàn thành tốt việc từng bước xây dựng, củng cố chế độ tiền tệ độc lập tự chủ và đấu tranh với địch trên mặt trận tài chính - tiền tệ. Từ năm 1964, theo Quyết định số 113/CP ngày 27/7/1964 của Hội đồng Chính phủ, các hoạt động của KBNN do Vụ Quản lý quỹ NSNN thuộc NHNN đảm nhiệm. Hoạt động quản lý quỹ NSNN do Vụ Quản lý quỹ NSNN thuộc NHNN đảm nhiệm. Lúc này, cơ quan KBNN không tồn tại với tư cách là một tổ chức nhưng nhiệm vụ của nó vẫn là quản lý quỹ NSNN, tập trung các khoản thu, cấp phát các khoản chi, tổ chức theo dõi và thống kê về tình hình thu, chi của NSNN. Trong điều kiện cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, hoạt động quản lý quỹ NSNN không biểu hiện rõ nét. Tuy vậy, vai trò, nhiệm vụ của cơ quan quản lý quỹ NSNN không vì vậy mà mất đi, ngược lại nó có điều kiện phát triển, khẳng định trong điều kiện mới, điều kiện nhà nước quản lý nền kinh tế bằng cơ chế thị trường.

Bước sang thời kỳ đổi mới, để đáp ứng yêu cầu cải cách công tác quản lý tài chính - tiền tệ và điều hành NSNN, việc tách chức năng quản lý quỹ NSNN khỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trở thành một yêu cầu tất yếu cho sự phát triển của đất nước. Việc giao cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý quỹ ngân sách nhà nước đã không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới. Bên cạnh đó, trong những năm quỹ ngân sách nhà nước được tổ chức quản lý tại Ngân hàng Nhà nước cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như: bội chi ngân sách nhà nước diễn ra thường xuyên; cơ quan Tài chính không nắm được kịp thời và chính xác diễn biến thu, chi và tồn quỹ ngân sách nhà nước; quỹ ngân sách nhà nước bị phân tán, chia cắt; một số địa phương tự ý giữ lại các khoản thu của ngân sách nhà nước và các khoản phải nộp khác để chi tiêu; cơ chế quản lý tài chính – ngân sách không cho phép sử dụng các quỹ tài chính nhà nước và các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách để tạm ứng bù đắp thiếu hụt tạm thời ngân sách nhà nước;... Thực tế này đặt ra yêu cầu phải cải cách mạnh mẽ công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước; trong đó, có sự cần thiết phải xây dựng một cơ quan quản lý quỹ ngân sách nhà nước riêng, tách khỏi Ngân hàng Nhà nước và độc lập với chính quyền địa phương để thực hiện tập trung nhanh, đầy đủ các khoản thu; thanh toán kịp thời các nhiệm vụ chi; tổ chức công tác kế toán; theo dõi, giám sát và đánh giá chất lượng, hiệu quả các khoản thu, chi ngân sách nhà nước; tổ chức công tác điều hòa và tạo nguồn vốn để đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi cấp bách của nền kinh tế.

Tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tài chính năm 1987 (tổ chức vào tháng 8/1988), trên cơ sở kết luận của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười: "Phải chuyển giao việc quản lý quỹ ngân sách từ ngân hàng về cơ quan tài chính. Ngành Tài chính phải hình thành kho bạc từ trung ương tới địa phương", Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Bộ Tài chính đã chọn Kiên Giang là tỉnh thí điểm thực hiện công tác quản lý quỹ NSNN với tên ban đầu là Ngân khố Nhà nước (NKNN) Kiên Giang, thực hiện đầy đủ 4 nghiệp vụ: Kế toán thống kê, kho quỹ, giao dịch và kế toán tổng hợp. Sau khi NKNN Kiên Giang, NKNN An Giang cũng được ra đời ngay sau đó một năm (ngày 01/7/1989). Đây là hai đơn vị đóng vai trò tiên phong đi "mở đường" cho sự thành lập cả hệ thống KBNN trên toàn quốc.

Hoạt động hiệu quả của NKNN Kiên Giang và An Giang đã khẳng định vai trò và sự cần thiết phải có một hệ thống quản lý nhà nước về quỹ NSNN trên phạm vi toàn quốc. Để phù hợp với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và cải cách nền hành chính quốc gia, đổi mới công tác quản lý tài chính tiền tệ, củng cố và nâng cao hiệu lực của Nhà nước, nhiệm vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước đã được chuyển giao từ Ngân hàng Nhà nước về Bộ Tài chính, hệ thống KBNN được tái thành lập để đảm nhận nhiệm vụ này. 

Ngày 04/01/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký Quyết định số 07/HĐBT thành lập hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính với chức năng chính là giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về quỹ NSNN.

Sau ba tháng chuẩn bị chu đáo, với sự chỉ đạo chặt chẽ và trực tiếp của Bộ Tài chính, sự phối hợp tích cực của NHNN, đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi của UBND các cấp và các ngành có liên quan, KBNN đã hoàn thành tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương (gồm 03 cấp) và chính thức đi vào hoạt động trên phạm vi cả nước từ ngày 01/4/1990.

Bằng tất cả nhiệt huyết và lòng quyết tâm của Lãnh đạo và các cán bộ của ngành Tài chính; sự quan tâm ủng hộ của Chính phủ, các bộ ngành và các cấp chính quyền địa phương  nên các đơn vị KBNN đã triển khai nhiệm vụ quản lý quỹ ngân sách và tổ chức các hoạt động giao dịch, thanh toán một cách hiệu quả ngay từ ngày đầu tiên hoạt động. Hệ thống KBNN ngày càng khẳng định là một cơ quan quản lý ngân sách không thể thiếu của ngành Tài chính và cả nước nói chung, khi cấp phát, thanh toán vốn kịp thời cho các ngành, các cơ quan cũng như quản lý toàn bộ các nguồn thu, chi NSNN.

(Còn tiếp…)

- Kỳ 2: Tiếp nối ngọn lửa truyền thống vẻ vang

Nguồn: Cổng TTĐT KBNN      

Lượt người xem:  Views:   1
Chia sẻ:
Share:
Ảnh
Video