Ngày
7/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến “Sơ kết công tác tài chính - ngân
sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6
tháng cuối năm 2020 của ngành Tài chính”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính
phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát
biểu chỉ đạo Hội nghị
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thực hiện "nhiệm vụ kép"
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã báo cáo về công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2020. Bộ trưởng cho biết, nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2020 được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước biến động rất lớn. Do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới nhanh chóng rơi vào tình trạng suy thoái; các đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nặng nề; các nền kinh tế lớn và nhiều nước trong khu vực ASEAN được dự báo tăng trưởng âm ở mức sâu.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn duy trì được các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng 6 tháng ở mức +1,81%, an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam cũng là một trong số ít các nước vẫn duy trì được hệ số tín nhiệm quốc gia, trong khi đã có trên 90 nước bị hạ bậc tín nhiệm hoặc điều chỉnh triển vọng. Đây có thể coi là một thành công nổi bật, đáng ghi nhận.
Trước tác động của đại dịch Covid-19, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện "nhiệm vụ kép" - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân và chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau dịch, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các giải pháp tài khoá ứng phó với đại dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Về thu NSNN, Bộ Tài chính đã trình miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19, vật tư, nguyên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất chịu tác động lớn của dịch bệnh; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh; nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân; giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có doanh thu chịu thuế không quá 200 tỷ đồng; tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN cho người nộp thuế, tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; phối hợp với các bộ, ngành rà soát cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Hội nghị
Về chi NSNN, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp cùng một số bộ, cơ quan có liên quan ban hành một số chế độ đặc thù đối với những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và những người phải cách ly tập trung; phối hợp xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19; xây dựng cơ chế đảm bảo kinh phí và thu xếp bố trí nguồn NSTW để thực hiện.
Về giải ngân vốn đầu tư phát triển, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, sửa đổi cơ chế kiểm soát thanh toán vốn đầu tư từ tiền kiểm sang hậu kiểm, rút ngắn thời gian kiểm soát từ 7 ngày xuống còn tối đa 4 ngày, đơn giản hóa thủ tục, thúc đẩy giải ngân vốn; tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ và địa phương sơ kết tình hình thực hiện giải ngân các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài 6 tháng đầu năm; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và kiến nghị các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Để giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết; đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính cũng được Bộ Tài chính tăng cường thực hiện trong thời gian qua. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã triển khai 103 trên tổng số 180 nhiệm vụ/hoạt động cải cách hành chính năm 2020; rà soát, bãi bỏ 28 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 35 thủ tục và ban hành mới 30 thủ tục trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, công sản, kế toán, kiểm toán và thực hiện công khai, cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo quy định; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung 129 chế độ báo cáo định kỳ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện báo cáo; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý. Trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, đến nay Bộ Tài chính đã vận hành, kết nối phần mềm quản lý văn bản (eDocTC) để gửi, nhận văn bản thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia với 95 cơ quan, đơn vị.
Về tổ chức bộ máy, thực hiện chủ trương sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động theo Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã cắt giảm 89 đầu mối cấp phòng thuộc cơ quan thuế; giải thể 06 kho bạc Nhà nước cấp huyện. Tính chung từ năm 2018 đến nay, đã rà soát, sắp xếp, cắt giảm được 2.985 đầu mối hành chính, giảm 2.044 công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp tổ/đội trở lên; giảm 09 đơn vị sự nghiệp công lập (từ 36 xuống còn 27 đơn vị). Quá trình sắp xếp bộ máy, cắt giảm đầu mối cơ bản diễn ra suôn sẻ, các nhiệm vụ chính trị được diễn ra thông suốt, không gây ách tắc, cản trở.
Toàn cảnh Hội nghị
Ngành Tài chính quyết tâm hoàn thành nhiệm năm 2020
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong những tháng còn lại của năm 2020, diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam, bên cạnh đó, thiên tai mưa bão và các dịch bệnh khác cũng có thể tác động lớn đến sản xuất và đời sống người dân.
Để hoàn thành các nhiệm vụ tài chính – NSNN, Bộ Tài chính đưa ra một số nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó đề nghị các bộ, ngành và địa phương quan tâm phối hợp, chỉ đạo thực hiện các giải pháp quan trọng chủ yếu như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế. Trong đó, nghiên cứu các giải pháp tài khoá, kể cả các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; triển khai có hiệu quả các giải pháp về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ, đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh; tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020; quyết tâm thu đạt mức cao nhất dự toán Quốc hội quyết định.
Tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ theo dự toán. Thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách địa phương,... Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương.
Cùng với các nhóm giải pháp trên, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công; đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách nhà nước, đầu tư XDCB, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản...
Chính phủ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của ngành Tài chính
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quyết tâm của toàn ngành Tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách. Những nỗ lực và kết quả đạt được của ngành Tài chính trong 6 tháng đầu năm đã góp phần quan trọng cùng cả nước vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp để ổn định đời sống kinh tế - xã hội và thúc đẩy sản xuất – kinh doanh.
Nói về nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020, Thủ tướng cũng cho rằng khó khăn thách thức phía trước vẫn còn rất lớn, do áp lực lạm phát, tình hình dịch bệnh vẫn rất khó lường và các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn… Theo đó, ngành Tài chính cần sớm đề xuất cho Chính phủ, Quốc hội các biện pháp mạnh mẽ hơn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn…
Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: đảm bảo dự toán thu ngân sách đề ra; đảm bảo nguồn lực tài chính cần thiết để phục hồi kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… Để đạt được các mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, Thủ tướng yêu cầu ngành Tài chính phải thực hiện một số các giải pháp như: điều tiết hài hòa các giải pháp về tài khóa, tiền tệ; đổi mới tư duy hoạch định chính sách, nuôi dưỡng nguồn thu, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục có chính sách giảm, miễn thuế, phí; kiểm soát thị trường giá cả; xây dựng hệ thống phân tích, dự báo và xây dựng chính sách tài chính cho phù hợp với tình hình mới…
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện hiệu quả tiết kiệm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo phương châm "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó phấn đấu giải ngân hết số kế hoạch vốn được giao năm 2020. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ triển khai gấp giải ngân vốn đầu tư công. "Nửa tháng họp giao ban 1 lần để thúc đẩy, kiểm điểm nguyên nhân vì sao, biện pháp thế nào? Thành lập các đoàn kiểm tra trung ương, giao Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Bên cạnh đó, kịp thời đề xuất điều chuyển vốn ngay trong tháng 8 tới với những nơi, ngành, địa phương không làm được. Đồng thời, sẽ đánh giá các Bộ ngành, địa phương không hoàn thành nhiệm vụ dựa trên tiêu chí mức độ hoàn thành về giải ngân vốn đầu tư công...
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính triển khai hiệu quả hơn nữa việc mua hàng dự trữ quốc gia; tiếp tục đơn giản hóa, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính kinh doanh nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; thực hiện tốt chương trình hội nhập tài chính quốc tế; phối hợp, chủ động với các bộ, ngành; cần thu hút, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao "vừa có tâm, vừa có tầm"…
"Năm 2020 là năm kỷ niệm 75 thành lập ngành Tài chính, trong suốt 75 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Tài chính đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, vượt mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao, tin tưởng và kỳ vọng ngành Tài chính sẽ làm tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Kỳ vọng các đồng chí vào cuộc như chống dịch, là người đứng ra chủ trì, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện phát triển, đảm bảo cuộc sống người dân" – Thủ tướng nói.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ ngành, địa phương, các cơ quan liên quan quán triệt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng bằng các giải pháp cụ thể. Đồng thời, Ngành Tài chính sẽ nỗ lực quyết tâm phấn đấu, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó trong giai đoạn mới./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử KBNN