Thông tin tuyên truyền
Thứ 3, Ngày 14/05/2019, 16:00
Di tích Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
14/05/2019
Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam nằm ở đồn điền Chi Nê (giai đoạn 1946 - 1947) nay là xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Tại đây, những tờ “Giấy bạc Tài chính - Giấy bạc cụ Hồ” đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao trong những ngày đầu độc lập của chính quyền cách mạng đã ra đời. Đây là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên của ngành Tài chính. Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia năm 2007.

Sứ mệnh lịch sử của "tờ bạc tài chính cụ Hồ"

 

Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước ta đứng trước những thử thách vô cùng khắc nghiệt. Một trong những vấn đề nổi lên là tài chính, mà quan trọng là việc phát hành đồng tiền của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong khi Chính phủ lâm thời đang gặp khó khăn, lúng túng với cơ sở in và phát hành giấy bạc Việt Nam để có thể chủ động về mặt tài chính và đấu tranh kinh tế với địch, ông Đỗ Đình Thiện, một nhà tư sản yêu nước đã tự nguyện bỏ tiền ra mua lại toàn bộ nhà in Tô-panh (Taupin) của Pháp tại Hà Nội và hiến tặng cho Chính phủ để lập nhà máy in tiền. Nhờ đó chính quyền cách mạng mới có được nhà in tiền riêng, đáp ứng một phần nhu cầu chi tiêu trong hoàn cảnh ngân khố hầu như trống rỗng.

Đến tháng 3/1946, trước nguy cơ bị lộ việc in tiền tại Nhà in Tô-panh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định tìm địa điểm mới để di chuyển toàn bộ nhà in ra khỏi Hà Nội. Một lần nữa, chính ông Đỗ Đình Thiện đã chủ động đề xuất Bộ Tài chính chuyển nhà máy in lên đồn điền của gia đình ông ở Chi Nê (Hoà Bình).

H1.jpg 

Tờ bạc 100 đồng, tờ bạc có mệnh giá lớn nhất trong số những tờ bạc đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập đã ra đời tại Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê. (Nguồn Internet)

H2.jpg 

Mẫu giấy bạc Tài chính 100 đồng (Ảnh chụp tại Khu di tích Chi Nê)

Chính tại nơi đây, tờ bạc 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc "con trâu xanh" ra đời. Tờ bạc Tài chính cụ Hồ ra đời mang theo sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng: góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta, góp phần quyết định vào việc cung cấp nhu cầu vật chất, lưu thông hàng hoá trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của nhân dân ta.

Sự ra đời của Giấy bạc Tài chính Việt Nam là một phương tiện đắc lực để chính quyền cách mạng non trẻ huy động được sức người, sức của ứng phó với muôn vàn khó khăn, đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Đồng thời khẳng định chủ quyền về kinh tế - tài chính, độc lập dân tộc trong đó có độc lập về tài chính. Nước Việt Nam độc lập phải có đồng bạc Việt Nam độc lập.     

Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê đã hai lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Đây là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên của Bộ Tài chính nói riêng, nền Tài chính quốc gia nói chung và một thời kỳ cách mạng vẻ vang. Năm 2007, khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê (1946-1947) được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

 

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ sau

 

Ngay sau khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia cần được bảo tồn và phát huy, Ủy ban nhân dân huyện Lạc Thủy đã lập quy hoạch chi tiết và được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 24/3/2009 với diện tích 15,64 ha, bao gồm các hạng mục như: Xưởng in tiền; Nhà Bác Hồ về thăm và làm việc; Kho chứa bạc; Nhà hội trường; Nhà đón tiếp; phù điêu tại khu xưởng in; sân vườn trồng cây; hệ thống giao thông toàn khu vực; khu công viên vườn hoa; khu đón tiếp và các công trình văn hoá, vui chơi giải trí; khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng...  

Năm 2016, khi được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chấp thuận chủ trương, ngày 08/12/2016, Uỷ ban nhân dân huyện Lạc Thuỷ ban hành Quyết định số 1662/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ với tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng.

H3.jpg 

Thế hệ trẻ ngành Tài chính học tập, tìm hiểu về lịch sử truyền thống tại Khu di tích

Trong những năm qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính quy hoạch, xây dựng, tôn tạo khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền với mong muốn phục dựng, lưu giữ lại hình ảnh Nhà máy in tiền và xây dựng công trình Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê, để ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình ông Đỗ Đình Thiện và những người có công với cách mạng trong thời kỳ đầu đặt nền móng xây dựng ngành Tài chính quốc gia.

Với truyền thống tốt đẹp của dân tộc: "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây" và thể theo nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình và huyện Lạc Thủy, nguyện vọng của công chức, viên chức ngành Tài chính nói chung; hệ thống KBNN đã huy động từ nguồn đóng góp của công chức hệ thống Kho bạc Nhà nước và một phần từ Quỹ khen thưởng phúc lợi hệ thống Kho bạc Nhà nước để hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng công trình Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê, xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Khu di tích thực sự là công trình có ý nghĩa, nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử của Bộ Tài chính nói riêng, của nền tài chính quốc gia nói chung và một thời kỳ lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Thời gian qua, Khu di tích đã đón hàng chục nghìn lượt khách đến thăm quan, học tập và nghiên cứu.

 

Nguồn Tin Hồng Đại (2019), "Di tích Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử" Cổng thông tin Kho bạc Nhà nước, 06/5/2019.

 

Lượt người xem:  Views:   1
Chia sẻ:
Share:
Ảnh
Video